Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề nha khoa và lưu ý cần biết
Nội dung
Chứng chỉ hành nghề nha khoa được coi là tài liệu chứng minh khả năng làm việc, mở phòng khám nha khoa của các bác sĩ Răng Hàm Mặt. Vậy, điều kiện để được cấp chứng chỉ này là gì và chi phí là bao nhiêu? Tất cả những vấn đề xoay quanh chứng chỉ nha khoa quan trọng này sẽ có trong bài viết sau đây của Labo 5D!
Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề nha khoa là gì? Lệ phí bao nhiêu tiền?
Điều kiện để được nhận chứng chỉ hành nghề nha khoa là gì? Đây là băn khoăn của rất nhiều sinh viên, nha sĩ vừa tốt nghiệp ngành Răng Hàm Mặt cũng như những ai đang quan tâm đến lĩnh vực này. Cụ thể, hạng mục này được quy định như sau:
- Bác sĩ cần có thời gian công tác tại các cơ sở Y tế nhà nước thuộc cấp có thẩm quyền tối thiểu 18 tháng sau khi đã tốt nghiệp. Đủ thời gian hoạt động này, bác sĩ mới đủ điều kiện nhận chứng chỉ hành nghề nha khoa.
- Người được cấp chứng chỉ cần có tối thiểu bằng tốt nghiệp Trung cấp Y sĩ trở lên. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo có sức khỏe tốt, đủ điều kiện để tham gia ngành học này.
Theo quy định của Sở Y tế TPHCM, lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề sẽ là:
- Phí thẩm định để cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh: 360.000 đồng/01 lần.
- Lệ phí cấp hoặc cấp lại chứng chỉ: 190.000 đồng/01 chứng chỉ.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng quy định rằng, mọi bác sĩ đều cần phải có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa mới đủ tư cách pháp nhân làm việc. Đặc biệt, người hoạt động thăm khám tại các phòng khám tư nhân cần:
- Người đứng đầu: Có chứng chỉ hành nghề và được phép đăng ký phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt.
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật: Có chứng chỉ hành nghề phù hợp và thời gian khám, chữa bệnh đúng chuyên khoa đăng ký tối thiểu 54 tháng.
Có nên thuê chứng chỉ hành nghề nha khoa không?
Hiện nay, nhiều bác sĩ/nha sĩ cho thuê hoặc thuê chứng chỉ hành nghề nha khoa (hoặc bằng bác sĩ răng hàm mặt) vì một số lý do. Dù tình trạng này khá phổ biến, nhưng liệu việc này có vi phạm pháp luật không? Thông qua những quy định pháp luật được chia sẻ dưới đây, bạn sẽ giải đáp được băn khoăn có nên thuê chứng chỉ hành nghề nha khoa hay không.
Theo quy định tại Điều 12 của Nghị định 109/2016/NĐ-CP, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên khoa phòng khám đăng ký. Điều này có nghĩa là pháp luật không cho phép việc cho thuê hoặc thuê chứng chỉ hành nghề cũng như các loại văn bằng nha khoa khác.
Hơn nữa, theo khoản 5 của Điều 28 trong Nghị định 176/2013/NĐ-CP, việc thuê hoặc cho thuê chứng chỉ hành nghề nha khoa sẽ bị phạt từ 30.000.000 đến 40.000.000 đồng và có thể tước chứng chỉ hành nghề trong 12 tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Bộ Y tế đã chỉ ra rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề nha khoa hiện nay chỉ dựa trên giấy tờ mà không có một kỳ sát hạch cụ thể nào. Vì vậy, năng lực thực sự của người hành nghề y không thể đánh giá chính xác. Tóm lại, việc mua hay cho thuê hoặc thuê chứng chỉ hành nghề là vi phạm pháp luật. Các bác sĩ hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thực hiện hành động này.
Chứng chỉ hành nghề nha khoa được hoạt động trong những chuyên môn nào?
Chứng chỉ hành nghề nha khoa được hoạt động trong những chuyên môn nào cũng là băn khoăn được nhiều người thắc mắc. Để được giải đáp cụ thể, hãy cùng Labo 5D khám phá các hạng mục chuyên môn người sở hữu chứng chỉ này được thực hiện dưới đây:
- Làm việc tại phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt.
- Khám, chữa bệnh hàm mặt thông thường và cấp cứu ban đầu cho các vết thương hàm mặt.
- Điều trị laser bề mặt.
- Chữa trị các bệnh viêm quanh răng.
- Lấy cao răng, nhổ răng.
- Chích, rạch áp xe răng.
- Làm răng, hàm giả.
- Thực hiện chỉnh hình răng miệng.
- Chữa tủy răng và điều trị nội nha.
- Thực hiện cấy ghép Implant đơn giản với lượng răng từ 1 đến 2 chiếc trong 1 lần thực hiện thủ thuật.
- Không thực hiện trường hợp ghép xương khối tự thân để cấy răng hoặc khi người bệnh đang có bệnh lý về nội khoa tiến triển ảnh hưởng đến việc cấy ghép.
- Thực hiện các tiểu phẫu răng miệng.
- Các kỹ thuật chuyên môn khác trong lĩnh vực nha khoa do Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt dựa vào năng lực thực tế của người hành nghề cũng như các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của phòng khám.
Nguyên tắc đăng ký hành nghề khám chữa bệnh nha khoa
Theo những chia sẻ trên đây, phạm vi hoạt động của chứng chỉ hành nghề răng hàm mặt cũng phụ thuộc vào năng lực của từng cá nhân và cơ sở vật chất của từng phòng khám. Vậy, nguyên tắc để đăng ký hành nghề khám chữa bệnh chuyên khoa Răng Hàm Mặt là gì? Câu trả lời gồm:
- Chỉ được đăng ký là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của duy nhất một cơ sở khám, chữa bệnh.
- Chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa cụ thể của một cơ sở khám, chữa bệnh.
- Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật tại phòng khám có thể kiêm phụ trách khoa tại cơ sở đó nhưng chỉ được phụ trách một khoa và phải đúng với chứng chỉ chuyên môn được đào tạo.
- Người hành nghề được đăng ký là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một phòng khám, chữa bệnh ngoài giờ.
- Người hành nghề tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký là người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám, chữa bệnh thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã. Ngoại trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám, chữa bệnh có vốn Nhà nước.
- Người hành nghề đã đăng ký là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật tại một phòng khám được làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh khác trên cùng địa bàn, nhưng tổng thời gian làm việc ngoài giờ không quá 200 giờ.
- Người hành nghề tại một cơ sở khám, chữa bệnh không được đăng ký là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh khác.
- Người hành nghề khi thực hiện việc khám, chữa bệnh theo chế độ luân phiên từ tuyến trên xuống tuyến dưới; khám, chữa bệnh nhân đạo; thực hiện kỹ thuật chuyên môn (hội chẩn, mổ phiên) theo hợp đồng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh thì không phải đăng ký hành nghề.
Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh vắng mặt tại cơ sở do thì phải thực hiện các thủ tục sau:
- Vắng mặt dưới 3 ngày: Ủy quyền bằng văn bản cho người làm việc tại cơ sở đó, có chứng chỉ hành nghề phù hợp, có ít nhất một trong các chuyên khoa mà cơ sở đăng ký và có thời gian khám, chữa bệnh tối thiểu 54 tháng.
- Vắng mặt trên 3 ngày: Thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 9 Điều này kèm theo văn bản báo cáo Sở Y tế.
- Vắng mặt từ 30 – 180 ngày: Thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 9 Điều này kèm theo bản báo cáo Sở Y tế và phải được Sở Y tế chấp thuận thông qua văn bản.
- Vắng mặt hơn 180 ngày: Cơ sở phải làm hồ sơ, thủ tục để đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn.
Như vậy, bài viết đã tổng hợp đầy đủ những vấn đề liên quan về chứng chỉ hành nghề nha khoa. Với những thông tin bài viết chia sẻ, hy vọng bạn đọc đã có thể lên kế hoạch phát triển nghề nghiệp một cách đúng đắn. Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo tại Labo 5D để cập nhật những thông tin thú vị khác trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt bạn nhé!
Để lại một bình luận